Chỉ trong chưa đầy 24 giờ qua, dư luận đã dậy sóng với quyết định tạm ngừng thông quan xuất khẩu gạo, rồi sau đó Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh lại có văn bản gửi Thủ tướng xin rút lại quyết định này. Vậy, trong thời điểm này, chúng ta cần hành động như thế nào để vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước, vừa gia tăng xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người nông dân?. PV Dân Việt đã có ghi nhận thực tế...

Cần tiếp tục duy trì xuất khẩu

Nhận định về vấn đề nên dừng hay tiếp tục xuất khẩu gạo tại thời điểm này, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, Việt Nam vẫn phải tiếp tục xuất khẩu gạo.

Theo ông Bình, giá lúa trên thị trường hiện có tăng nhưng chưa phải là tăng quá cao. Hiện giá lúa Japonica còn thấp hơn 2017 gần 1.000 đồng/kg, trong khi giá lúa của nông dân cũng cao lắm chỉ mới ở mức 6.000 - 6.200 đồng/kg, thua các năm 2017 - 2018.

Việc các nước tăng thu mua gạo là tín hiệu tích cực của thị trường, đã được dự báo trước từ cuối năm 2019.
Trước đó, các nước đã giảm nhập rất nhiều nên sang 2020 họ phải tăng nhập khẩu theo nhu cầu tăng cao của thế giới. Tag: phòng bệnh trên tôm thẻ

“Chúng tôi là những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo cũng đã nhận định được điều này. Do đó, kế hoạch vẫn là tăng xuất khẩu dựa theo nhu cầu thị trường và khả năng sản xuất, chế biến của doanh nghiệp”, ông Bình khẳng định.

Còn về nguyên nhân thế giới tăng tiêu thụ gạo Việt Nam, theo ông Bình, một là do chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện nhiều hơn so với trước đây. Cụ thể là VIệt Nam vừa đạt giải nhất "Gạo ngon thế giới", nên nhiều bạn hàng tin tưởng hơn.

Hai là, trong năm 2019, nhiều quốc gia giảm nhập khẩu gạo. Đến nay, lượng gạo dự trữ trong kho của các nước này đã giảm, thậm chí là cạn hết nên họ phải tăng nhập khẩu. Tag: nuôi tôm biofloc

Giá gạo xuất khẩu hiện đang tăng, theo ông Bình, do các doanh nghiệp ngành gạo vừa nhận thêm nhiều đơn hàng từ Philippines, Malaysia… Đặc biệt, Malaysia vừa đạt thỏa thuận mua 90.000 tấn gạo của Việt Nam và dự kiến sẽ nhập khẩu thêm trong thời gian tới. Philippines vẫn đang mua nhiều kể từ tháng 12/2019 đến nay.

Tuy nhiên, giá gạo hiện tại vẫn chưa bằng mức giá năm 2018. “Phải tỉnh táo nhìn nhận rằng, cuối năm 2019, một số doanh nghiệp lương thực ký hợp đồng xuất khẩu cho năm 2020 nhưng với giá rất thấp. Đến nay, khi giá lúa tăng thì không kham nổi nên mong muốn được tạm dừng xuất khẩu gạo”, ông Bình nhấn mạnh.

Theo nhu cầu thị trường


PGS.TS Dương Văn Chín - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành cũng cho rằng, nếu giá lúa tăng khá, Việt Nam nên tiếp tục xuất khẩu gạo. Điều này nhằm khích lệ nông dân trồng lúa, tăng thêm thu nhập. Tag: bệnh trên tôm thẻ

Hơn nữa, Việt Nam không lo ngại chuyện thiếu lương thực, vì ĐBSCL trồng 3 vụ lúa/năm, từ sạ đến chín rất nhanh. Hiện, lúa hè thu cũng chỉ chưa đầy 3 tháng nữa đã có thu hoạch.

Vấn đề cần quan tâm của ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay là tăng chất lượng sản phẩm.

Hiện, gạo thơm trắng của Việt Nam còn kém chất lượng so với Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan… Giá gạo thơm trắng của Việt Nam chỉ bán khoảng 600 USD/tấn trong khi các nước có giá đến 1.100 - 1.200 USD/tấn. Còn về gạo trắng hại dài, nếu giá bán ở mức 400 USD/tấn thì Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước đối thủ.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Cần Thơ (xin không nêu tên) chỉ rõ, đang có sự bất nhất trong điều hành ngành lúa gạo của cơ quan chức năng. Theo vị này, việc tạm ngừng xuất khẩu gạo thời điểm hiện tại là chưa cần thiết.

“Doanh nghiệp cần bán lúa để đảo kho, chuẩn bị cho mùa vụ mới. Nông dân cũng mong muốn bán lúa với giá cao để cải thiện thu nhập, bù đắp lại chi phí giá thành sản xuất lúa gạo ngày càng tăng như hiện nay”, vị này khẳng định.

Bài toán mà ngành lúa gạo Việt Nam đối mặt hiện nay là làm cách nào để tăng được giá bán và hướng phát triển nào cho ngành lúa gạo sau dịch Covid-19 cũng như trước những ảnh hưởng ngày càng nặng nề của hạn, mặn tại ĐBSCL hiện nay.

Cũng tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 mới đây do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì, ông Phạm Xuân Quế - Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc chia sẻ, thông thường diễn biến giá gạo tăng giảm được điều chỉnh theo quý hoặc năm.

Tuy nhiên năm nay, mới có mấy tháng đầu năm mà giá gạo đã có sự điều chỉnh tăng vọt, đây là điều hiếm xảy ra, nhất là trong bối cảnh ĐBSCL đang vào chính vụ thu hoạch đông xuân.

Lý do của việc tăng giá lúa là thị trường thế giới có sự điều chỉnh, các nước nhập khẩu nhập sớm và tăng nhập khẩu để bù lại lượng gạo thiếu hụt vì đã giảm nhập trong năm 2019. Các doanh nghiệp ký được hợp đồng số lượng lớn nên đẩy mạnh tập trung mua vào.

Nhu cầu từ Philippines và Malaysia mạnh mẽ trong khi giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giữ ổn định ở mức cao, giá gạo Thái Lan cũng tăng. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu ngành lúa gạo giúp tái cơ cấu thị trường xuất khẩu, giá không phụ thuộc vào một số thị trường. Điều này cho thấy triển vọng khả quan thực hiện mục tiêu xuất khẩu năm 2020 là 6,7 triệu tấn, với trị giá trên 3 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Lượng thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam ngày 20/3 là từ 418 - 422 USD/tấn; loại 25% tấm giá từ 403 - 407 USD/tấn; gạo Jasmine có giá từ 528 - 532 USD/tấn. Giá bán loại 5% tấm so với với giá trung bình của tháng 2/2020 cao hơn từ 30 - 40 USD/tấn.

VFA cũng đã có công văn gởi các doanh nghiệp trực thuộc về vấn đề đảm bảo nhu cầu lương thực trong nước giai đoạn dịch bệnh Covid-19. VFA khẳng định không thiếu lương thực, đề nghị các Hội viên phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành không để xảy ra tình trạng biến động giá lương thực trong nước.

Trần Khánh (Dân Việt)