Không chỉ là phong tục tập quán đẹp được lưu truyền từ xưa tới nay mà lễ ăn hỏi còn là dịp thể hiện sự chu đáo, quan tâm của gia đình nhà trai với nhà cô dâu. Thậm chí qua lễ ăn hỏi, qua việc chuẩn bị lễ vật, khách mời còn đánh giá được gia cảnh, gia phong của nhà chú rể. Chính vì vậy, một lễ ăn hỏi đẹp đúng phong tục truyền thống là điều quan trọng mà bất cứ cặp đôi nào cũng cần quan tâm, chú ý.

Click image for larger version. 

Name:	le-an-hoi-dep-nhat.jpg 
Views:	24 
Size:	63.1 KB 
ID:	3690

Khái niệm lễ ăn hỏi
Lễ ăn hỏi hay là lễ đính hôn, là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt. Nhiều năm trước, còn có các giai đoạn dạm ngõ xong mới tới ăn hỏi. Nhưng ngày nay, các nghi thức đã được tối ưu để tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức. Đây cũng là sự thông báo chính thức về việc cưới xin, hứa gả giữa hai họ và là giai đoạn quan trọng trong mối quan hệ hôn nhân: cô gái chính thức trở thành "vợ sắp cưới" của chàng trai, và chàng trai sau đã chính thức xin được nhận làm rể của nhà gái và tập gọi bố mẹ xưng con sau khi mang lễ vật tới.
Trong buổi lễ ăn hỏi, nhà trai mang lễ vật tới nhà gái. Việc nhà gái nhận lễ ăn hỏi tức là chính danh công nhận sự gả con gái cho nhà trai, hai nhà có câu chuyện và kể từ ngày ăn hỏi, đôi trai gái có thể coi là đôi vợ chồng chưa cưới, chỉ còn chờ ngày cưới để công bố với hai họ, dân làng.

Trình tự lễ ăn hỏi đúng phong tục

Chuẩn bị và khởi hành
Việc chuẩn bị đầy đủ lễ vật là điều rất quan trọng, chú rể nên kiểm tra kĩ càng các lễ vật trước khi đến nhà cô dâu. Việc thiếu sót lễ vật trong các ngày lễ trọng đại này là điều tối kỵ, thậm chí giờ giấc khởi hành và diễn ra lễ ăn hỏi cũng được xem trước để được đúng giờ tốt. Nhà trai nên đến sớm hơn trước giờ làm lễ để đảm bảo mọi thứ được chuẩn bị sẵn sàng nhất.

Trao lễ vật
Theo phong tục, đoàn đại diện nhà trai sẽ tiến vào trước, đằng sau là đội ngũ nam thanh nữ tú đội đỡ mâm quả, bánh, trầu cau,... và đặt trước bàn thờ gia tiên (vị trí có thể thay đổi tùy vào gia chủ). Theo đó, các đôi nam nữ đỡ tráp sẽ trao duyên và trò chuyện, uống nước cùng nhau.
Nhà gái sẽ chọn một số lễ vật trong mâm ngũ quả và các lễ dâng lên bàn thờ gia tiên. Đôi uyên ương thắp hương khấn gia tiên trước bàn thờ nhà gái để cầu tổ tiên chứng giám, phù hộ.

Hai gia đình bàn bạc lễ cưới
Sau khi trao lễ vật, đại diện nhà gái mời nhà trai vào dùng nước và giới thiệu những người đại diện của hai bên gia đình. Người đại diện nhà trai sẽ trình bày lý do đến nhà gái, giới thiệu lễ vật. Đại diện nhà gái cũng có lời cảm ơn lại và nhận lễ. Cô dâu chú rể phải đi tiếp, mời nước quan viên hai họ.

Sau cùng, hai gia đình sẽ ngồi cùng nhau bàn bạc về ngày, giờ lành để tiến hành lễ rước dâu, lễ cưới. Cô dâu chú rể sau khi mời nước các bậc cao niên hai họ thì có thể ra ngoài chụp hình cùng người thân, bạn bè.

Kết thúc buổi lễ, nhà gái sẽ gửi lại ít lễ vật cho nhà trai. Tất cả lễ vật được chia đều, tách bằng tay, đối với cau thì phải xé chứ không được dùng dao để cắt vì mang điềm không tốt cho cuộc hôn nhân sau này của đôi trẻ và mâm quả khi được trả lại cho nhà trai phải để ngửa nắp. Tùy thuộc vào từng gia đình, nhà gái có thể mời nhà trai ở lại dùng bữa cơm.
Thực tế, buổi lễ ăn hỏi diễn ra khá nhanh nhưng cần sự chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng trước đó. Một buổi lễ ăn hỏi hoàn hảo, đúng truyền thống cũng là khởi đầu cho cuộc sống êm ấm của vợ chồng sau này.