1/ Khái niệm hòa giải trong tố tụng dân sự
Tố tụng dân sự có thể được hiểu dưới hai góc độ: Dưới góc độ pháp lý là một ngành luật tố tụng cụ thể còn dưới góc độ hoạt động tố tụng là những hoạt động do các chủ thể tham gia vào quá trình tố tụng dân sự thực hiện.
Dưới góc độ pháp lý, tố tụng dân sự là tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong quá trình giải quyết vụ việc về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động tại Tòa án đảm bảo sự nhanh chóng, chính xác trong quá trình giải quyết và thi hành án, đặt ra các chế tài bảo vệ quyền lợi của nhà nước, của công dân.
Dưới góc độ hoạt động tố tụng thì tố tụng dân sự là một quy trình các thủ tục do pháp luật quy định buộc mọi chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng phải thực hiện nhằm giải quyết nhanh chóng, chính xác vụ án dân sự, bảo vệ đúng đắn quyền, lợi ích của nhà nước và của công dân.
Xuất phát từ hai cách tiếp cận đối với tố tụng dân sự nên hòa giải trong tố tụng dân sự cũng có thể nhìn dưới hai góc độ: (1) dưới góc độ hoạt động tố tụng thì hòa giải là hoạt động tố tụng do Tòa án tiến hành và (2) dưới góc độ pháp luật: Hòa giải là một chế định pháp lý.

2/ Nguyên tắc tiến hành hòa giải trong tố tụng dân sự
a/ Hòa giải là một hoạt động tòa án phải tiến hành trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự
Điều 10 BLTTDS có quy định “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật” [1]. Theo quy định của điều luật thì hòa giải là một hoạt động Tòa án phải tiến hành trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự. Ở bất kỳ thời điểm nào, giai đoạn tố tụng nào, Tòa án cũng có thể tiến hành hòa giải, điều đó thể hiện ở hai điểm sau:
– Thứ nhất, Tòa án bắt buộc phải tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được.
Khoản 1 Điều 180 BLTTDS quy định “Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được”.
Như vậy, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc những vụ án không tiến hành hòa giải được, sau khi thụ lý vụ án đến trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải dù việc hòa giải có khả năng thành hay không. Tính bắt buộc phải tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa sơ thẩm thể hiện ở chỗ: Nếu Tòa án không tiến hành hòa giải thì bị coi như vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự và là căn cứ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm để hủy án và xét xử sơ thẩm lại.
Việc bắt buộc tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa sơ thẩm là hoàn toàn hợp lý, xuất phát từ mục đích của hòa giải là để các đương sự thỏa thuận được việc giải quyết tranh chấp một cách ổn thỏa, từ đó đem lại nhiều ý nghĩa cho Tòa án và các đương sự. Do vậy, mục đích của hòa giải sẽ thể hiện rõ nhất, đem lại nhiều ý nghĩa nhất khi các đương sự thỏa thuận được với nhau trước khi mở phiên tòa sơ thẩm.
Vì khi đó Tòa án sẽ không phải mở phiên tòa xét xử, có thể không phải tiến hành thêm các giai đoạn tố tụng tiếp theo như phúc thẩm, giám đốc thẩm hay tái thẩm. Với ý nghĩa như vậy nên pháp luật quy định Tòa án phải tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa sơ thẩm.
– Thứ hai, pháp luật khuyến khích hòa giải ở các giai đoạn tiếp theo.
Tòa án khuyến khích hòa giải trong các giai đoạn tố tụng khác bằng việc luôn công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ở bất kỳ thời điểm nào, nếu những thỏa thuận đó là tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Ngoài ra, việc khuyến khích hòa giải này còn thể hiện rất rõ trong phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, tòa án hỏi các đương sự có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không.
Nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử sẽ ra bản án công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Sở dĩ, Tòa án không bắt buộc phải tiến hành phiên hòa giải ở các giai đoạn tố tụng tiếp theo để tránh việc phải hòa giải vô ích nhiều lần vụ việc không còn khả năng hòa giải giữa các đương sự.
Tham khảo thêm các bài viết khác:
+ luật tố tụng dân sự
+ mô hình nông lâm
+ giải pháp hoàn thiện công tác tuyển dụng nhân sự